Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Di dời làng gốm cổ Tân Vạn

Làng gốm Tân Vạn của Đồng Nai được thành lập gần 300 năm trước, nhưng dự kiến sẽ được di dời theo kế hoạch di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư vào cuối năm 2015. Quyết định này đã gây ra mối quan ngại rộng rãi giữa chủ sở hữu và các hộ gia đình làm gốm của làng…

Bắt đầu từ những bước chân đầu tiên của người Hoa di cư đến mảnh đất này, nghề gốm được hình thành và phát triển. Buổi sơ khai, người dân chỉ dùng đất và bàn tay tài hoa của mình tạo ra những vật dụng thô sơ như lu, khạp, chum,… phục vụ cho tiêu dùng.
Từ thời Pháp thuộc nghề gốm ở đây đã phát triển rực rỡ. Hàng hóa bằng gốm được người phương Tây ưa chuộng và sử dụng. Gốm Tân Vạn gồm 2 dòng sản phẩm gồm gốm thủ công mỹ nghệ và gốm đất đen. Trong đó, sản phẩm gốm đất đen chủ yếu là được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như châu Úc, New Zealand, châu Âu và một số nước khu vực châu Á. Trong khi đó, mặt hàng gốm thủ công mỹ nghệ chỉ xuất khẩu được 20%, 80% còn lại cạnh tranh với các thương hiệu khác trong thị trường nội địa. Do sức cạnh tranh không cao, giá thành gốm Đồng Nai cao hơn giá gốm Bát Tràng đang chiếm lĩnh thị trường nội địa nên gốm Đồng Nai sống chủ yếu dựa vào nguồn xuất khẩu.
Làm gốm tại nhà

Hơn mười năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời gốm Tân Vạn sang cụm gốm xã Tân Hạnh. Điều này đã gây một trở ngại không nhỏ cho các lò gốm ở Tân Vạn. Một số lò gốm phải đóng cửa do thiếu vốn, nhân công, thợ nghề và không tìm được thị trường tiêu thụ. Trước đây khu vực Tân Vạn có khoảng từ 10 – 15 lò thì bây giờ chỉ còn 7 – 10 lò. Việc di chuyển cơ sở gốm cũng khiến cho chủ doanh nghiệp lúng túng vì hiện tại, đến năm 2015 giấy phép sử dụng đất vẫn còn chưa được giải quyết xong xuôi. Cho nên trên thực tế, làng gốm vẫn chưa được di dời, các lò gốm vẫn tiếp tục hoạt động và sản xuất. Về vấn đề này, Anh Nguyễn Tấn Đạt - người quản lý cơ sở gốm Phong Sơn cho biết, “thời gian để xây dựng một lò gốm phải mất một năm, trong thời gian đó, việc sản xuất gốm cũng không thể dừng lại được vì đơn hàng cứ liên tục luân phiên nhau, nếu gián đoạn thì doanh nghiệp sẽ bị mất đầu ra cho sản phẩm”. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn cần phải điều động vốn để xây dựng cơ sở mới. Cộng với việc thiếu nguồn nhân lực trẻ, nghề gốm đang có chiều hướng mai một dần. Thanh niên trẻ phần lớn chọn làm việc ở các xí nghiệp vì công việc, lương lậu ổn định, lò gốm chỉ còn lại người già và phụ nữ. Anh Đạt tỏ ra lo lắng: “Sau lớp thợ già này chẳng còn ai kế thừa nghề làm gốm bằng tay nữa”. Bởi lẽ, các cơ sở cũng dần chuyển sang làm gốm bằng kỹ thuật rót khuôn nhanh và chính xác về kích thước, trọng lượng hơn nhiều mặc dù gốm làm bằng tay vẫn được đánh giá cao về sự khéo léo và tài hoa của những nghệ nhân gốm.

Gần đây, các chuyên gia đã đề nghị đưa khách du lịch đến làng. Tuy nhiên, đề xuất này đang đối mặt với những thách thức lớn do kế hoạch di dời. "Tất cả các ngôi nhà mái tranh cũ đã duy trì được truyền thống này sẽ được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông mới. Ai sẽ muốn đến thăm một nơi như vậy?" – một người dân ý kiến. Đây là một câu hỏi khó mà rất cần sự quan tâm hơn của chính quyền và các nhà chức trách để có thể bảo tồn được nét đẹp văn hóa dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét