Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Gốm sứ Đông Triều và nỗi khó khăn ( Phần 2)

Mặc dù Đông Triều không nổi tiếng như các làng gốm khác trong cả nước như Bát Tràng, Thổ Hà, Phú Lăng, nhưng Đông Triều vẫn có phong cách riêng về sản xuất các sản phẩm gốm. Làng gốm Đông Triều đã sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng cao với nhiều hình dạng và kích cỡ. Du khách sẽ có cơ hội để tìm hiểu sâu về nghệ thuật chế tạo các sản phẩm gốm và xem quá trình sản xuất một sản phẩm khi đến thăm các xưởng gốm…
Địa phương và nỗi lo

Đem nỗi băn khoăn của chủ hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp gốm sứ, trao đổi với ông Ngô Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Triều chúng tôi được biết, hiện nay Đông Triều cũng đang rất trăn trở trong việc làm sao để giữ được và đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống này? Ông Thiệu cho hay: Trong thời kỳ bao cấp, nghề gốm sứ tại Đông Triều đã rất phát triển, sản phẩm gốm sứ của 2 HTX gốm sứ Đông Thành (Đức Chính) và Ánh Hồng (Mạo Khê) không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, tạo được thương hiệu riêng. Tuy nhiên, từ những năm 90 trở lại đây, trong điều kiện khó khăn, 2 HTX này hoạt động kém hiệu quả và đã giải thể. Hiện nay, chỉ còn lại là các hộ sản xuất nhỏ lẻ và một số doanh nghiệp sản xuất với quy mô vừa. Từ nhiều năm trước, huyện đã tập trung cho việc đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống này, trong đó có việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm sứ Đông Triều; thành lập Hiệp hội Gốm sứ Đông Triều; hình thành các khu sản xuất gốm sứ tập trung gắn với du lịch trải nghiệm... Tuy nhiên đến nay, mọi giải pháp vẫn chưa tạo được chuyển biến nào đáng kể.
 
Bát đĩa làm bằng gốm
Hiện nay, theo chủ trương chung của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của nghề gốm sứ tại Đông Triều, trong đó có việc quy hoạch sản xuất gốm sứ vào một khu sản xuất tập trung với diện tích dự kiến 15ha. Về vấn đề này, ông Thiệu cũng khẳng định: Khó khăn thì nhiều, trong đó phải kể đến kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất tập trung, trong đó có kinh phí quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với việc kêu gọi các hộ sản xuất, doanh nghiệp... vô cùng khó khăn, trong khi các hộ sản xuất nhỏ, doanh nghiệp đều khó khăn về vốn. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí cho giải phóng mặt bằng tại khu vực này từ 1,6-1,8 tỷ đồng/ha. Như vậy, với diện tích 15ha mặt bằng khu sản xuất tập trung thì cần trên dưới 25 tỷ đồng. Kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng tương ứng.

Nhận định về việc gắn phát triển nghề sản xuất gốm sứ với du lịch trải nghiệm, ông Ngô Tiến Thiệu cũng chỉ ra một số những hạn chế, trong đó có việc bố trí, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này cũng phát triển tự phát khiến hiệu quả của hình thức này không cao. Chỉ tính từ đầu huyện Đông Triều đến xã Yên Thọ, với 12km đã có 5 điểm dừng chân của các doanh nghiệp kinh doanh theo loại hình này, bắt đầu từ Công ty CP  Thành Đồng tại xã Bình Dương đến gốm sứ Thái Sơn tại Yên Thọ. Nhưng các doanh nghiệp này lại thiếu sự liên kết với nhau để phát triển mà lại tìm cách kìm hãm nhau. Vì vậy huyện cũng đang rất trăn trở tìm mô hình quản lý để phát triển được loại hình này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét