Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Lịch sử nghìn năm của gốm Việt ( Phần 1)

Đồ gốm của Việt Nam xuất hiện cách đây khoảng hơn năm nghìn năm lịch sử. Trải qua thăng trầm và phát triển cho đến đỉnh cao, dụng cụ gốm bắt đầu đa dạng hơn về cả hình thức, tên gọi và phương pháp sử dụng. Ở thời kì khoảng bốn nghìn năm trước ( thời đại đồ đồng) gốm sứ Việt Nam chính thức tiến thêm một bước, gốm thời kỳ này có thêm bộ mặt mới là loại đồ đựng có nắp đậy để bảo quản ngũ cốc, chống loài gặm nhấm

Về tạo dáng, gốm văn hóa Phùng Nguyên dáng thanh, thành mỏng và thường phát triển chiều cao; gồm Đồng Đậu dáng lùn do phần thân được mở rộng. Nếu như trong nền văn hóa Gò Mun có loại nồi miệng gãy loa bằng, vò vai gãy có tai thì trong nền văn hóa Đông Sơn có những loại hình đơn giản hơn, không có xu hướng tạo thành góc gãy nữa.
Nhìn chung, hình dạng gốm thời đại đồng thau đẹp hơn, vững chắc và khỏe hơn so với gốm thời đại đồ đá mới.
Trong thời đại đồ đá mới, ông cha ta chưa biết dùng bàn xoay để nặn gốm như trong thời đại đồng thau. Phương pháp dùng bàn xoay để làm gốm đóng vai trò chủ yếu trong thời đại đồng thau. Đó là một cải tiến về kỹ thuật rất quan trọng của ông cha ta trong quá trình lao động sản xuất. Khi con người biết dùng bàn xoay thì chẳng những năng suất lao động tăng nhanh mà phẩm chất đồ gốm cũng tốt hơn, đẹp hơn, độ dày mỏng thành gốm đều nhau. Ưu điểm nổi bật của bàn xoay là có thể tạo ra những đồ gốm có kích thước lớn nhưng thành gốm rất mỏng.
 
Gốm ngày nay có nét tương đồng về hoa văn
Chất liệu gốm trong thời đại đồng thau không thuần nhất, có nơi dùng đất sét pha cát hạt to, có nơi pha cát hạt nhỏ, lại có nơi pha bã thực vật. Tuy vậy, pha chất độn thế nào đó để khi nặn xong đem phơi gốm không bị nứt, đem nung gốm không bị méo mó biến dạng và khi nung xong gốm được rắn, bền; pha thế nào để mặt gốm không thô mà mịn. Mịn là một tiêu chuẩn đẹp của gốm. Muốn đạt những điều kiện pha trộn trên, ông cha ta phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo, dày công tích lũy kinh nghiệm.

Nhìn chung, màu sắc gốm thời đại đồng thau khá phong phú: gốm màu trắng mốc, gốm màu vàng, vàng nhạt, gốm màu đỏ nâu, đỏ nhạt và màu đen, v.v... Thậm chí, ngay một dụng cụ gốm cũng có nhiều màu, có chỗ màu đỏ nâu, có chỗ màu xám đen. Màu sắc của gốm phụ thuộc vào chất độn, cách nung và còn do độ nung quyết định nữa. Ngoài ra, con người đã sử dụng một thứ bột màu xoa hoặc rắc lên mặt gốm còn ướt để tạo ra màu sắc vừa ý họ. Gốm Phùng Nguyên có xương màu đen, mặt gốm hoặc màu đỏ hoặc màu đen, gốm Đông Sơn khoác "chiếc áo" hoặc hồng nhạt hoặc xám tro. Còn gốm Gò Mun vẫn giữ cái vẻ mộc mạc tự nhiên của đất.

Hầu hết gốm thời đại đồng thau đều được nung với mức độ khác nhau. Gốm Phùng Nguyên độ nung thấp hơn gốm Đồng Đậu; gốm Đông Sơn độ nhiệt nung cao hơn gốm Gò Mun. Tuy vậy, độ nhiệt nung gốm ở thời đại đồng thau không vượt quá 900oC.

Nói đến gốm không thể không nói đến hoa văn. Vì nó là một tiêu chuẩn về cái đẹp, là dấu ấn quan trọng để phân biệt gốm của nền văn hóa này và gốm của nền văn hóa kia. Bằng một chiếc que, cũng có thể là cọng rơm, cọng cỏ, người xưa vạch trên mặt gốm những nét cong uyển chuyển, mềm mại, những đường chìm sắc sảo. Tất cả những đường nét đó phối hợp với nhau một cách hài hòa, sinh động.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét