Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Gốm sứ Đông Triều và nỗi khó khăn ( Phần 1)

Đông Triều là một trong những điểm dừng chân bắt buộc của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm khu vực vịnh Hạ Long hùng vĩ với số dân hải đảo tăng từ vùng nước trong xanh của Vịnh Bắc Bộ. Huyện Đông Triều, cách thành phố Hạ Long 60km, trên đường cao tốc 18A, sở hữu một số ngôi làng gốm nổi tiếng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay làng gốm đang gặp nhiều khó khăn….
Sự trăn trở của doanh nghiệp

Đến 2 làng gốm sứ truyền thống Cầu Đất và Vĩnh Hồng những ngày này, chúng tôi cảm nhận thấy một không khí trầm lắng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ, cơ sở sản xuất cũng như các doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ nơi đây. Đến Công ty TNHH Gốm sứ Thành Hữu, khu công nghiệp Kim Sơn, chúng tôi thấy đang có hơn 30 công nhân sản xuất để đưa vào lò nung những sản phẩm gốm sứ thuộc dòng gốm sứ nặng lửa như chậu hoa có đường kính từ 20-100cm và những chum, vại có dung tích từ 20 lít đến hàng trăm lít.
 
Những người thợ gốm đang làm việc
Anh Lê Thành Hữu, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chúng tôi may mắn vừa ký được một đơn hàng nên có việc cho công nhân làm chứ thực tế trong suốt thời gian qua là hoạt động sản xuất cầm chừng bởi việc tiêu thụ sản phẩm những năm gần đây vẫn đang bị “tắc”. Nhớ lại thời vàng son của nghề, anh Hữu trăn trở: Với tôi, nghề gốm sứ là nghề gia truyền. Kể từ ngày địa phương mới nhen nhóm một vài bầu lò đến khi phát triển đến 60-70 hộ sản xuất. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn nhiều chủ lò đã không giữ được nghề. Nếu như trước kia, tại khu Cầu Đất, xã Đức Chính có tới 27 lò gốm thì đến nay chỉ còn 7 lò; tại khu Vĩnh Hồng có vài chục lò thì đến nay cũng chỉ còn khoảng 10 lò. Trong số 7 lò gốm tại Cầu Đất thì chỉ có 3 chủ lò đang sản xuất thực sự, còn 4 chủ lò khác có nguy cơ không “trụ” được do khó khăn trong sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm. Cũng theo anh Hữu thì, khó khăn nữa đối với nghề gốm hiện nay là phần lớn các chủ lò quen với việc sản xuất manh mún nên thiếu sự liên kết trong sản xuất, khó cạnh tranh trên thị trường với các làng nghề gốm sứ khác. Cùng với đó, nhân lực cho nghề cũng không đơn giản bởi phần lớn công nhân không được đào tạo bài bản, tính chuyên nghiệp không cao.

Được biết, Công ty TNHH Gốm sứ Thành Hữu hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực gốm sứ tại xã Kim Sơn từ năm 2008. Hiện nay, Công ty có 2 dãy lò, với tổng số 23 cửa lò, chuyên sản xuất các loại chậu to, chum vại to thuộc dòng sứ nặng lửa. Nếu thời tiết thuận lợi, bình quân mỗi tháng Công ty cho ra lò 3 chuyến, với sản lượng bình quân 5.000 sản phẩm/ tháng.

Để nâng cao hiệu quả cho nghề sản xuất gốm sứ, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Triều đã mở rộng hình thức sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng không mấy hiệu quả. Là một trong số những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm sứ kết hợp với du lịch lớn nhất nhì tại Đông Triều, Công ty CP Thành Đồng (xã Bình Dương) cũng không tránh khỏi khó khăn. Ông Đoàn Văn Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cho hay: Từ đầu năm đến nay, do tình hình khó khăn chung, sản phẩm của Công ty đã không xuất khẩu được sang thị trường châu Âu nên doanh thu đã bị giảm đáng kể. Ông Tuyết cũng cho biết thêm: Để giữ cho làng nghề phát triển, một yếu tố không thể thiếu đó là việc khẳng định tính truyền thống. Cùng với đó, phải tạo được yếu tố cạnh tranh, trong đó có việc cải thiện mẫu mã sản phẩm giữa các hộ sản xuất thì mới giúp nghề phát triển. Bởi với các sản phẩm hàng dân dụng đòi hỏi phải đa dạng mẫu mã, thì hàng gốm trang trí nội thất càng phải đòi hỏi cao hơn, tinh xảo hơn.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét